Đăng ký

Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Giải đáp bí mật đằng sau việc không được xuất hành vào ngày 5, 14, 23

Quan niệm dân gian cho rằng vào ngày 5, 14, 23 trong tháng chúng ta không nên tổ chức ăn hỏi, cưới xin, xuất hành hay xây nhà vì đó là những ngày xấu.

Người xưa truyền miệng rất nhiều câu vè, bài thơ hoặc các câu nói chỉ dẫn con cháu về sự may rủi cần né tránh cũng như các thời điểm tốt xấu để làm ăn mua bán. Chắc bạn đã từng nghe câu: “Mùng năm – mười bốn – hăm ba. Đi chơi còn lỗ huống là đi buôn ”. Thực hư ý nghĩa câu nói này ra sao?

Giải đáp bí mật đằng sau việc không được xuất hành vào ngày 5, 14, 23 ảnh 1

Theo người xưa, việc xuất hành vào ngày mùng 5, 14, 23 là không tốt - Ảnh minh họa: Internet

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (Giám đốc công ty TNHH MTV Đông Phương Cát) sẽ giải thích rõ hơn nguyên nhân đàng sau câu vè này.

Sự ảnh hưởng của Mặt Trăng

Trước tiên phải hiểu rằng, những ngành nghề đầu tiên trong xã hội đều là các ngành nghề lao động tay chân như đồng áng, ngư nghiệp. Các ngành nghề này đều liên quan và phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy, hầu như tất cả các kinh nghiệm đúc kết dân gian đều là kết quả của một quá trình cha ông ta quan sát, rút kinh nghiệm và truyền lại cho đến ngày nay.

Ai cũng biết sự liên đới giữa Mặt Trăng và Trái Đất là mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau. Mùng năm là thời điểm mặt trăng bắt đầu chu kỳ tiến gần trái đất nên ta còn gọi là lúc trăng bắt đầu tròn. Vào thời kỳ chuyển giao này, lực hút của mặt trăng với Trái Đất sẽ thay đổi theo xu hướng tăng lên. Đối với ngư dân đi biển nói riêng, lực hút này làm cho biển động mạnh, ảnh hưởng đến đánh bắt. Đối với con người nói chung, lực hút thay đổi làm cho tâm tính mất ổn định, dễ gây gổ, mất tập trung dẫn đến hỏng việc.

Giải đáp bí mật đằng sau việc không được xuất hành vào ngày 5, 14, 23 ảnh 2

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tương tự như thế, mười bốn là ngày trăng tròn, lực hút mạnh nhất nên càng làm cho mọi sự biến đổi. Không phải chỉ phương Đông mà cả phương Tây cũng công nhận như vậy, đó là lý do vì sao ta hay nghe nói đến chuyện người chỉ hóa sói vào đêm trăng tròn. Tuy đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết nhưng cũng phần nào ngầm công nhận về tác hại của ngày trăng tròn. Ngày hai mươi ba là ngày trăng bắt đầu xa nên ta thấy mặt trăng sẽ khuyết dần. Đây là thời điểm năng lượng suy yếu bất ngờ nên cũng ảnh hưởng đến mọi vật.

Theo truyền thống Vua Vi Hành

Trong quan niệm thời phong kiến, vũ trụ chia làm bốn phương tám hướng, đồ hình tám cung bao bên ngoài và tất cả đều chầu về một cung chính giữa là trung cung mang số 5, và số 9 là số dương lớn nhất cũng dành cho vua chúa. Đây là lý do mà khi nhắc đến hoàng đế người ta hay nói “cửu ngũ chí tôn”. Vì thế nhà vua chọn các ngày 5 - 14 -  23 (đều cộng lại bằng 5) và đều cách nhau 9 ngày để vi hành. Đối với vua thì đó là ngày tốt. Còn đối với dân, họ phải tránh né hoặc cúi đầu khi vua đi qua, không được cản đường. Nếu không sẽ bị tru di, và dĩ nhiên không ai dám đi lại buôn bán vào những ngày như vậy.

Giải đáp bí mật đằng sau việc không được xuất hành vào ngày 5, 14, 23 ảnh 3

Mặc dù không còn phổ biến nhưng hiện nay một số người vẫn tin xuất hành vào những ngày này sẽ gặp chuyện không may - Ảnh minh họa: Internet

Tóm lại, ngày tháng là một đơn vị thời gian trong chu kỳ hoạt động của vũ trụ và mỗi ngày sẽ mang nguồn năng lượng khác nhau, tốt có, xấu có, người xưa cũng nhận ra như vậy nên mới lưu truyền cho con cháu. Tuy nhiên, đến nay những hủ tục liên quan đến vua chúa đã không còn, tư tưởng kiêng kỵ đi lại vào ngày này cũng không còn nặng nề như xưa.

Phương Duy | Theo Phụ nữ sức khỏe

Nguồn: plo.vn